Giữ phòng vệ sinh thông thoáng
Môi trường ẩm thấp trong nhà vệ sinh tạo điều kiện cho các loại nấm, vi khuẩn sinh sôi nảy nở. Nếu không dọn dẹp thường xuyên, các tác nhân gây bệnh tả, thương hàn, da liễu… có thể lây lan nhanh chóng.
Để ngăn chặn sự tích tụ của vi khuẩn, bạn nên thường xuyên cọ rửa nhà vệ sinh, đặc biệt là bồn cầu, nắp cống thoát nước, cần gạt… Ngoài ra, nên bật quạt hút mùi nhiều lần trong ngày và mở cửa sổ phòng vệ sinh khi không sử dụng.
Lau sàn nhà mỗi ngày
Sàn nhà đầy những vết bánh xe, bụi bẩn của chân người, lông thú cưng, thức ăn rơi vãi… Song, đây cũng là nơi trẻ bò, trườn hay chơi đùa mỗi ngày. Các mẹ cần lau nhà thường xuyên để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh cho bé. Nên sử dụng dung dịch nước tẩy rửa diệt khuẩn uy tín, đảm bảo an toàn sức khỏe và có mùi hương dễ chịu.
Khử mùi hôi ở bồn rửa bát
Đường ống thoát nước và giỏ đựng cặn thức ăn trong bồn rửa bát thường đọng mùi khó chịu. Vì vậy, chị em nên trút rác trong giỏ sau mỗi lần rửa thực phẩm và bát đĩa. Hạn chế trút dầu, mỡ chiên thừa xuống bồn rửa bát để tránh làm tắc đường ống.
Một mẹo hay giúp chị em khử mùi hôi của bồn rửa là đổ hỗn hợp nước cốt chanh với nước nóng, bột baking soda vào miệng ống thoát nước. Sau khi chờ 5 phút thì xả lại bằng nước sạch.
Cọ bồn rửa mặt
Bồn rửa mặt ố vàng thường gây ra các bệnh về mắt, mũi hoặc mụn trứng cá trên da mặt. Với hỗn hợp 2 muỗng baking soda hoà cùng một chén nước, nửa chén dấm và chút nước rửa chén, bạn có thể lau rửa các loại mốc, vết bẩn bám quanh bồn rửa mặt. Cách làm này cũng khiến bồn rửa mặt bóng, sáng hơn.
Lau chùi phòng bếp
Thức ăn vụn, dầu chiên thừa, nước canh trào ra ngoài… thường vương vãi trên bếp gas. Đây là nguồn dinh dưỡng lý tưởng cho vi khuẩn phát triển và bám vào thực phẩm đã chế biến. Chị em nên bật máy hút mùi trong khi nấu và lau chùi bếp gas ngay sau khi đứng bếp. Các vị trí cần lưu ý làm sạch là kiềng, mặt kính, gầm dưới và tường đá hoa phía sau bếp.
Theo An San vnexpress